So sánh Đèn pin EDC mini OLIGHT Perun Mini và Baton 3
Nội Dung Bài Viết
-
Giới thiệu
OLIGHT Perun Mini và OLIGHT Baton 3 là cặp đôi đèn pin EDC siêu nhỏ và siêu sáng (so với kích thước của chúng) bán rất chạy tại Chuyentactical.com hiện nay. Được biết đến là một thương hiệu làm đèn pin chất lượng tốt, chỉn chu từ bao bì, phụ kiện cho đến từng chi tiết trên sản phẩm, OLIGHT là thương hiệu được anh em Việt Nam tin dùng và luôn ưu tiên cân nhắc để so sánh với các thương hiệu khác trong cùng phân khúc trước khi quyết định sở hữu.
Hôm nay Chuyentactical.com sẽ đặt lên bàn cân 2 mẫu đèn này để so sánh. Với sự tương đồng từ kích thước, pin, cổng sạc cho đến giá. Vậy tại sao OLIGHT lại ra mắt hai cây đèn chứ không phải là một? Hy vọng qua những chia sẻ rất thực tế này, anh em có thể có cái nhìn rõ ràng hơn để lựa chọn cho mình vật đồng hành phù hợp.
-
Những điểm tương đồng
Thân vỏ
Cả 2 đều được làm bằng hợp kim nhôm hàng không, các điểm tiếp xúc pin bên trong được mạ vàng. Trên thân tiện phay các rãnh rất thẩm mỹ và tăng ma sát.

Người dùng dễ dàng cầm và thao tác tốt ngay cả khi mang găng tay
Cả 2 đều có thể chống nước, chống bụi, sử dụng dưới mưa hoặc lỡ rơi xuống nước mà vẫn có thể hoạt động tốt, chịu va đập trong khoảng cách rơi 1.5m.

Vân tiện phay bằng CNC trên thân của Olight Perun Mini
Kích thước
Cả 2 chiếc đèn này đều có kích thước vô cùng nhỏ gọn, chỉ tương đương ngón tay cái. Chúng ta đều có thể dễ dàng bỏ túi mang đi bất cứ đâu, hoặc thậm chí là gắn vào chùm chìa khóa.
- Perun Mini: 6.25 x 2.1 cm/ Nặng 52g
- Baton 3: 6.3 x 2.1 cm/ Nặng 53g

Với kích thước này, chúng ta có thể gắn đèn vào chùm chìa khóa được không?
Giá
Ở thời điểm tôi viết bài này thì giá của 2 sản phẩm chỉ chênh nhau 100K. Sự khác biệt này không quá lớn nên có thể xem như là sự tương đồng.
Perun Mini 1650K và Baton 3 (bản Standard) là 1550K.

Olight Baton 3 có đến 3 phiên bản màu và 2 phiên bản sản phẩm: Standard và Premium
Phụ kiện
Cả 2 đều có clip cài 2 hướng gắn sẵn trên thân đèn, 1 dây Lanyard đeo cổ tay, dây sạc qua cổng nam châm rất tiện dụng.

Unbox đèn pin Olight Perun Mini
-
Những điểm khác biệt
Độ sáng
Tuy sử dụng cùng một loại pin 16340 nhưng Baton 3 là mẫu ra mắt sau, được kế thừa những công nghệ mới hơn về bóng LED và sự khác nhau về thấu kính nên độ sáng, tầm xa và thời gian sử dụng có phần nhỉnh hơn 20% so với Perun Mini.

Runtime của Olight Perun Mini

Runtime của Olight Baton 3 (bản Standard không tính Case sạc rời)
Ở thực tế, vùng sáng của Baton 3 có điểm spot rõ và tập trung ở giữa nhiều hơn. Còn Perun Mini thì rộng và tản đều từ điểm giữa ra xung quanh. Đây là một điểm đáng lưu ý mà lát nữa mình sẽ nói cụ thể hơn.
Case sạc rời
OLIGHT cung cấp cho Baton 3 một lựa chọn nâng cấp về thời lượng sáng và khả năng linh hoạt trong việc bổ sung và dự trữ nguồn rất tốt bằng case sạc rời. Tuy đây là một lựa chọn làm việc so sánh trở nên khập khiễng bởi người dùng phải bỏ ra thêm gần 1 triệu đồng cho bản Premium của Baton 3, nhưng việc áp dụng công nghệ cải tiến này vào đèn pin thực sự là một bước tiến mới của Olight và cho người dùng thêm một lựa chọn để làm phụ kiện của mình trông thời trang và hi-tech hơn.

Chiếc case này rất thời trang và nhỏ gọn, có thể bỏ túi mang theo hằng ngày
Nói qua một chút về case sạc này. Case thực chất bên trong là một viên pin sạc 18650 với mạch điều khiển, được sạc qua cổng USB-Type C. Case có dung lượng pin 3500mAh, điện áp 3.6V, có thể sạc đầy cho Olight Baton 3 khoảng 3.7 lần. Chất liệu bằng nhựa, bề mặt sơn nhám, kích thước gọn gàng có thể bỏ túi quần. Khi bỏ đèn vào case, kết nối từ tính khá chắc chắc giúp cho đèn không bị rơi dù có úp ngược case xuống. Vì sạc cho case và sạc cho đèn khác nhau nên dù mang đèn đi xa mà quên sạc đuôi nam châm thì chúng ta vẫn có thể sử dụng dây cáp USB Type-C (hiện nay đã rất thông dụng) của các thiết bị khác để sạc. Ưu điểm này khá quan trọng.

Cổng sạc USB Type-C của Case sạc rời Baton 3
Nhìn chung về độ sáng, tầm xa và thời lượng, Baton 3 vượt trội hơn Perun Mini.
Trở lại vấn đề chính, mình sẽ tạm bỏ qua case sạc này và so sánh trên những tiêu chí khác thực tế hơn.
Các chế độ sáng
Giống như đa số các mẫu đèn có 1 công tắc điều khiển khác của OLIGHT, cả 2 chiếc đèn đều có các chế độ sáng cùng giao diện điều khiển giống nhau và vô cùng đơn giản:
- Nhấn để bật/tắt đèn.
- Khi đèn đang bật giữ để chọn mức sáng.
- Khi đèn đang tắt giữ để bật chế độ Moonlight.
- Khi đèn đang bật hoặc tắt, nhấn 2 lần để bật chế độ Turbo.
Vô cùng đơn giản. Ngoài ra cả 2 đều có chế độ hẹn giờ và khóa đèn.

Bóng Led và thấu kính của Olight Baton 3
Tuy nhiên, với thao tác nhấn 3 lần thì 2 chiếc lại truy cập đến 2 chế độ khác nhau:
- Perun Mini chuyển sang chớp SOS.
- Baton 3 chuyển sang Strobe (chớp mạnh kiểu tự vệ)
Và tuy có rất nhiều điểm tương đồng nhưng chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy Perun Mini mang thiết kế kiểu đèn gù còn Baton 3 lại là kiểu đèn chiếu thẳng. Yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến cách thức sử dụng, cũng chính là 2 mục đích khác nhau mà 2 cây đèn này được sinh ra.
4. Cách thức sử dụng
Trên tay
Đèn gù nói chung là kiểu thiết kế sinh ra để ưu tiên cho việc chiếu sáng rảnh tay. Ngược lại thì đèn chiếu thẳng sinh ra để cầm trên tay thường xuyên hơn.
Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy được khi cầm đèn trên tay và thao tác. Để điều chỉnh hướng sáng lên xuống, qua lại thì khi cầm đèn chiếu thẳng, cổ tay chúng ta sẽ cử động linh hoạt, nhanh và chính xác hơn khi cầm đèn gù.

Nút bấm của Olight Perun Mini nằm trên đỉnh đèn
Có một chi tiết nhỏ trên clip cái của Baton 3 mà hãng rất tinh tế cài cắm vào sản phẩm của mình là đường cong giúp người tỳ ngón tay vào để bấm nút dễ hơn, cũng như có định vị được mình đang cầm xuôi hay cầm ngược cây đèn.
Rảnh tay
Đuôi nam châm:
Tuy cùng có đuôi nam châm, có thể đứng được trên các bề mặt kim loại vì đặc thù tia sáng của Baton 3 gom hơn, vươn xa hơn nên khi ở quá gần người, ánh sáng khá gắt và gây cảm giác khó chịu. Ngược lại, Perun Mini cho ánh sáng rộng, lan tỏa và dịu hơn nên nếu ở cùng 1 khoảng cách, Perun Mini là lựa chọn tốt hơn để chiếu sáng một cách bao quát không gian làm việc. Các loại đèn chiếu thẳng trong các trường hợp này hay được dùng theo kiểu chiếu lên trần nhà hoặc chiếu vào tường để lấy ánh sáng phản xạ lại. Không chỉ riêng Baton 3 mà đa số các đèn pin EDC có đuôi nam châm và chiếu thẳng khác đều phải làm như vậy.

Olight Perun Mini đứng trên bề mặt kim loại
Gắn trên quần áo:
Khi không có bề mặt kim loại hoặc các phụ kiện khác hỗ trợ việc giữ đèn mà chúng ta phải làm việc một mình, cài pin lên quần áo, mũ nón sẵn có là một giải pháp.
Để đèn có phương chiếu như mong muốn, với Baton 3, chúng ta chỉ có thể gắn lên ống tay áo hoặc cổ áo. Còn Perun 2 có thể cài được lên nhiều vị trí hơn: ví dụ miệng túi quần, miệng túi áo, ngực áo, cài ngang cài dọc đều được.
Gắn trên balo, túi:
Đối với túi đeo hoặc balo, đèn gù cũng có thể cài gắn ở nhiều vị trí khác nhau hơn, cả trong và ngoài trong khi đèn chiếu thẳng thì chỉ có thể cài ở quai xách phía trên.
Đặc biệt với balo, túi Tactical, nền tảng Molle phần lớn được làm theo chiều ngang. Vì khi gắn pouch hoặc phụ kiện lên, lực kéo sẽ chia đều 2 bên, nếu nằm dọc, lực kéo dồn hết xuống bên dưới làm giảm tuổi thọ. Mà kể cả có nằm dọc đi nữa thì đèn chiếu thẳng cũng chỉ có thể gắn bên hông. Điểm này cực kỳ quan trọng khi chúng ta di chuyển trong đêm và gắn đèn để phát tín hiệu nhận diện.
Ngoài ra, Perun Mini còn có thêm 2 phụ kiện hỗ trợ chiếu sáng rảnh tay là dây đeo trán và 1 miếng patch để gắn đèn lên nón, áo giáp, hoặc bất cứ đâu có gai dán loop.
Gắn trên nón:
Khi gắn lên nón để chiếu sáng và thao tác trong tầm tay thì Perun Mini với sự hỗ trợ của miếng Patch này cũng cho góc chiếu linh hoạt hơn. Điều chúng ta cần trong những tình huống này là khả năng điều chỉnh lên xuống chứ không phải qua lại của hướng ánh sáng.
Đặc biệt khi không có một vị trí nào có thể cài thì chúng ta vẫn có thể đặt đèn lên mặt phẳng. Với Baton 3 thì ánh sáng sẽ bị loang hết lên mặt phẳng. Đây là điều mà chỉ những cây đèn gù mới có thể làm được.

Món phụ kiện độc đáo giúp Perun Mini trở thành chiếc đèn đa năng có 1 0 2
Những điểm vừa kể trên là minh chứng rõ ràng cho việc Perun Mini là chiếc đèn tốt hơn để chiếu sáng rảnh tay. Chế độ chớp SOS của đèn có thể giúp cho đèn đứng ở một vị trí cố định hoặc gắn lên quần áo, balo để phát tín hiệu một cách bị động. Ngược lại, chế độ Strobe của Baton 3 chỉ có thể phát huy tối đa tác dụng khi được kích hoạt một cách chủ động khi đèn luôn nằm trên tay người dùng, hữu dụng trong các tình huống cần làm choáng đối thủ để bỏ chạy. Đây là một lựa chọn tốt để tự vệ, phòng thân ở mức cơ bản.
Tóm lại
OLIGHT Baton 3 thích hợp cho những ai cần độ sáng cao hơn, xa hơn, sáng được trong thời gian lâu hơn và đặc biệt là cầm đèn trên tay để thao tác trực tiếp nhiều hơn. Ngoài ra, bản Premium với case sạc xịn xò chắc chắn sẽ ăn điểm trong mắt những người thích công nghệ, thiết kế mới.

Tinh tế như một phụ kiện công nghệ cao cấp
Còn OLIGHT Perun Mini với sự hỗ trợ của các phụ kiện cộng với sự linh hoạt của thiết kế đèn gù là lựa chọn tốt hơn cho những ai thường xuyên thao tác bằng cả 2 tay. Đặc biệt là những anh em đang sẵn có cho mình những chiếc balo, túi Tactical có hỗ trợ nền tảng gai dán, đây thực sự là một lựa chọn tuyệt vời để các phụ kiện bổ trợ cho nhau, phát huy tối đa tác dụng.
Hy vọng qua những chia sẻ rất thực tế này, anh em có thể có cái nhìn rõ ràng hơn để lựa chọn cho mình vật đồng hành phù hợp. Chúc anh em tìm được cây đèn như ý!
No Comments